Ca mổ cứu bé gái 2 tuổi khi người nhà đã buông xuôi

Posted on Thứ Sáu, Tháng Mười 2nd, 2015

Bé mang khối bướu máu khổng lồ ở gan có thể chết trên bàn mổ, người nhà xin đưa về quê chờ giây phút cuối cùng, còn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 tha thiết xin phẫu thuật.

Bé chào đời hơn một tháng tuổi thì được phát hiện có bướu máu ở vùng má bên phải, được điều trị chích chất xơ khống chế sự phát triển của bướu. Đến lúc 2 tuổi đột nhiên bụng bé to, ăn uống kém, không lên cân, chỉ nặng 9,5 kg nên người nhà đưa từ Sóc Trăng đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM. Kết quả siêu âm cho thấy có khối bướu ở vùng gan bên phải bé cực kỳ lớn, nghi ngờ là khối bướu ác tính (ung thư). Làm thêm các xét nghiệm và CT, khối bướu được chẩn đoán có thể lành tính.

bs dao trung hieu

Bác sĩ Đào Trung Hiếu bên cạnh bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Lê Phương,

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết nếu khối bướu lành tính, can thiệp phẫu thuật có thể giúp bệnh nhi trở về cuộc sống bình thường. Song trường hợp ác tính thì sau phẫu thuật phải hóa trị liệu nhiều lần, tiên lượng không tốt cho bé. Sau khi bàn bạc nhiều lần, 3 phương án điều trị được ê kíp bác sĩ đưa ra. Phương án đầu tiên là thắt những mạch máu khiến máu không nuôi bướu nữa và bướu dần dà sẽ nhỏ lại. Phương án thứ hai là không làm gì hết, cắt bướu để sinh thiết nếu ác tính thì hóa trị liệu làm cho bướu nhỏ lại rồi tính đến phẫu thuật sau. Phương án thứ ba được quyết định lựa chọn là cắt trọn khối bướu ngay trong ca mổ đầu tiên.

“Quá nhiều nguy hiểm có thể xảy ra ngay trên bàn mổ. Gan là nơi chứa rất nhiều máu, khi phẫu thuật nếu có sự cố không xử lý kịp thời gây mất máu cấp thì em bé sẽ ngưng tim ngay lập tức”, bác sĩ Hiếu phân tích. Ngay cả trường hợp khối bướu lành tính, nếu không cắt đi thì nó sẽ lớn dần lấn toàn bộ mô gan dẫn đến suy gan và tử vong. Thêm nữa bướu máu không loại trừ sớm cũng sẽ gây suy tim nên bằng mọi giá phải cắt.

Các chiến thuật mổ được đội ngũ y bác sĩ bàn bạc kỹ lưỡng. Bác sĩ Hà Văn Lương, Phó Khoa Gây mê Hồi sức cho biết khối bướu lớn khiến nhu mô gan bệnh nhi không có lực, chức năng gan không tốt. Dùng thuốc gây mê phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tất cả thuốc chuyến hóa ở gan được lựa chọn để hạn chế tối đa nguy cơ. Thêm đó khối u chèn ép mạch máu, khi gây mê sẽ chèn ép nặng nề hơn làm cho mức độ tưới máu bị ảnh hưởng. Khi phẫu thuật sẽ kẹp cách mạch máu ở gan dẫn đến nguy cơ rối loạn toan chuyển hóa nên các bác sĩ phải dự trù nhiều phương án, đặt các đường truyền tĩnh mạch lớn để theo dõi liên tục.

Trải qua gần 5 giờ phẫu thuật ngày 29/9, các y bác sĩ đã cắt trọn khối bướu nặng 1,35 kg ra khỏi phần gan phải của bệnh nhân. Trọng lượng khối bướu nặng tương đương phần gan của người lớn. Các bác sĩ cũng kiểm soát được tình trạng chảy máu, bé chỉ truyền 2 đơn vị  máu giúp bồi hoàn số lượng mất máu trong bướu. Ngày 30/9, kết quả xét nghiệm khối bướu cho thấy đó là lành tính, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

“Có những thời điểm nghĩ rằng mình sẽ buông vì ca này vượt qua khả năng can thiệp phẫu thuật nhưng cuối cùng sự đồng lòng của ê kíp đã thành công”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Cuộc phẫu thuật có ý nghĩa trọn vẹn hơn nữa khi đã mang lại cho bệnh nhân cuộc sống hoàn toàn bình thường, đặc biệt nhờ bác sĩ “không nghe lời” gia đình trả bé về nhà chờ chết. Ngoài cánh cửa phòng hồi sức ngoại, khi được bác sĩ thông báo kết quả ca phẫu thuật thành công và khối bướu lành tính, bố của bé bật khóc vì vui mừng.

Cả nhà chỉ nghĩ việc phẫu thuật giúp kéo dài thời gian sống, tính mạng của em bé tính bằng ngày bằng tháng chứ không tưởng tượng con có thể trở lại cuộc sống bình thường như hiện tại. Trước đó, bà nội của bé vì thương cháu mà từng có ý định đưa về quê để “cháu được chết một cách trọn vẹn nơi quê nhà, không phải trải qua đau đớn phẫu thuật”.

Nguồn Báo sức khỏe cộng đồng