Đổi mới giáo dục đã đi vào cuộc sống chưa? Nếu vào rồi nó có đi theo các tuyến đường do Bộ ta vạch ra hay không? Trên đường quả thật không thấy ồn ào chuyện “tiếp sức” bằng xe đò, nhà trọ, cảnh sát giao thông dẹp đường, tình nguyện viên đón tiếp hỗ trợ các “sĩ tử” cùng phụ huynh đổ về thành phố dự thi. Không thấy các cảnh báo “tỉ lệ chọi” vào các trường ĐH, CĐ dày đặc trên truyền thông như năm trước nữa. Nhà trường nhẹ nhàng tổ chức thi thử theo cấu trúc mẫu của Bộ và quan tâm tới “vẻ đẹp” của học bạ 5 kỳ cuối cấp của các trò. Các ĐH, CĐ chỉ đưa ra các phương án tuyển sinh của mình để người học chọn… Tóm lại ngoài đường phố, trong gia đình, cũng như trong khuôn viên các nhà trường giảm tải đã rõ rệt. Tuy nhiên, đang vác quá nặng trên vai nay quẳng gánh lo đi, bất đồ “nhẹ bỗng” lại hóa hoang mang, hoang mang hơn các năm trước. Định luật về sức ỳ có hiệu lực tâm lý không kém vật lý!

Mới thêm một điều tra quốc tế cho thấy, học sinh ta xếp thứ 12, giỏi hơn cả Anh, Mỹ, Phần Lan về toán và khoa học. Giỏi thế mà cải cách đi thì có phí không, không khéo “lợn lành hóa lợn què”! Hay là điều tra sai, kết quả không đáng tin cậy. Trấn an rằng: Không sai, giỏi toán tuổi 15 do ta học nhồi nhét quá nặng mà thôi. Một bài toán kiểm tra lớp ba mà có tới 362.880 đáp án khiến nhiều giáo viên, phụ huynh cùng TS toán bó tay là một thí dụ hùng hồn. Giỏi làm toán không đảm bảo học ĐH giỏi, ra trường không thất nghiệp. Không nhất thiết phải tự hào nhưng cũng đừng phủ nhận “thành tích” này của nền GD nước nhà. C. Wolfram, nhà toán học Anh, cảnh báo rằng, toán học không phải là tính toán. Học sinh giỏi hiện nay là giỏi làm tính không phải giỏi toán, mà việc này máy tính làm tốt hơn người rất nhiều. Theo ông bài toán gồm 4 phần. a) Đặt một câu hỏi đúng từ cuộc sống, b) Mô hình hóa nó về công thức toán, c) Làm tính tìm kết quả (computation) bằng tay hoặc máy tính và d) Biến đổi kết quả từ dạng toán học đến câu trả lời trong cuộc sống và kiểm tra lại kết quả. Học sinh theo sách giáo khoa chỉ giỏi mỗi khâu c) như một máy tính sống nên khó thành công trong trong sự nghiệp. Còn có những cải cách động trời hơn của các nhà giáo dục Phần Lan là bỏ các môn học toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, ngoại ngữ mà học theo vấn đề, theo chủ đề để giải quyết vấn đề và đáp ứng tình huống. Việc này học sinh sẽ rất thích nhưng cần có các “siêu giáo viên” giỏi toàn diện để thực hiện những giờ học tổng hợp vừa trừu tượng vừa sinh động cụ thể. Giáo viên Phần Lan từ mẫu giáo đều phải có bằng thạc sĩ trở lên và lương cao ngang luật sư, bác sĩ. Chuyện trên trời khi giáo viên ta về hưu lương 293.000 đồng/tháng vừa đủ ăn sáng.

Có trường kia học sinh hư sẽ bị phạt không được học giờ thể dục. Bởi trường dạy giờ thể dục quá sinh động với các môn chơi, các bài nhảy trên nền nhạc “Trống cơm” quá đã khiến các bé mê ly. Nhiều trường tổ chức các buổi thuyết trình lôi kéo phụ huynh đến đông nghịt về các chủ đề giáo dục rất sát sườn chưa/ không có trong chương trình, sách giáo khoa nào: Khi con mê game thì làm thế nào? Nhà tư vấn đáp: Đừng lo! Phải mừng vì nó chưa xem phim đen, còn kiểm soát được. Buổi thứ hai có tiêu đề nóng: Có nên hốt hoảng khi học sinh xem sex? Một nữ sinh khuyến khích cha mẹ đi nghe để: “Xem các cha mẹ làm thế nào khi chúng con như thế”. Điều tra cho thấy, 30% học sinh lớp 8 đã xem sex. Một bệnh viện cho biết, 30% bệnh nhân phá thai là nữ học sinh. Nhà tư vấn giáo dục trấn an: Chớ hốt hoảng. Bạn phải dạy con về giới tính nếu không Internet sẽ làm thay. Còn dạy như thế nào thì phải sáng tạo, không có đơn thuốc chung. Một ông bố hàng ngày đưa đón con bằng xe hơi bít bùng “ngã ngửa” khi biết con gái có bầu. Hẳn ông đã để Internet dạy con gái thay mình!

Để tránh các giải pháp tình thế đã có ngay các giải pháp trọn gói đây: Trường Tây Úc đưa ra Gói standard 1.000.000 đồng, gói Premium 1.750.000 đồng hoặc Trường quốc tế Canada, Trường A. Einstein với các gói “An cư giáo dục”… Format chung là phụ huynh mua một căn hộ, nộp thêm từ vài trăm triệu tới 2 tỉ thì con sẽ được theo học trường quốc tế gần nhà từ lớp 1 đến hết lớp 12 không phải đóng học phí. An toàn yên trí về mọi phía. Sau 12 năm trường sẽ hoàn trả nguyên số tiền đóng ban đầu. Rất nhiều phương án miễn là bạn phải là phụ huynh kiêm nhà đầu tư thông minh biết chọn giá đúng!

Nét màu mới của bức tranh giáo dục khiến mọi người nhận ra một chân lý mới: Đổi mới giáo dục là liên tục và toàn diện, vất vả vô ngần, không đơn giản là thay món đồ cũ bằng món đồ mới, đổi chương trình cũ bằng chương trình mới, thay phương pháp cũ bằng phương pháp mới… mà còn là thay những bất cập, hoang mang cũ bằng những bất ổn và hoang mang mới nữa nhá!

Tin tức khác:

Báo laodong.com